Lịch sử Việt Nam

Dân ta phải biết sử ta…. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh

18/3/1979, ngày chiến thắng biên giới phía Bắc

18/3/1979, ngày chiến thắng biên giới phía Bắc
(Kỷ niệm 34 năm chiến tranh biên giới phía Bắc 18/3/1979 – 18/3/2013)

Thiếu Long

Vào ngày này 34 năm trước, quân đội Trung Quốc buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và rời khỏi Việt Nam, để lại gần 3 vạn xác đồng đội và 420 xác xe tăng, xe bọc thép các loại.

Sự thương vong và thiệt hại của Trung Quốc đã không giúp cho ý đồ chiến lược nào của họ đạt được: Họ không thể tiến về Hà Nội, xâm chiếm miền Bắc Việt Nam, chia cắt lâu dài Việt Nam, thực hiện kế hoạch bành trướng lâu dài của chủ nghĩa bá quyền đại dân tộc.

Họ không thể lấy miền Bắc nước ta làm bàn đạp để lũng đoạn, thao túng, khống chế và thôn tính khu vực Đông Dương và Đông Nam Á, hay trục lợi, cướp đoạt tài nguyên trong khu vực địa chính trị – địa kinh tế quan trọng này, nối tiếp “truyền thống” chủ nghĩa Đại Hán của phong kiến Trung Hoa.

Họ không thể sử dụng con bài Hoàng Văn Hoan như các vương triều phong kiến của họ đã từng sử dụng các con bài Trần Ích Tắc, Trần Thiêm Bình, Lê Chiêu Thống ngày xưa, không thể tiến vào Hà Nội để đưa Hoan lên làm “thủ lĩnh anh minh”, thiết lập ngụy quyền, bắt lính, xây dựng ngụy quân. Thành lập “quốc gia”, sau đó thỏa thuận cho các đồng minh, đàn em công nhận và thiết lập ngoại giao với “quốc gia” đó.

Trong cuộc chiến, Hoàng Văn Hoan khéo giấu diếm sự thông đồng của mình với Trung Quốc mà chỉ thể hiện ra là một phần tử Maoist cực đoan. Sau cuộc chiến, an ninh nội bộ của Việt Nam lập tức đôn đốc thúc đẩy việc điều tra các nghi vấn về gián điệp Bắc Kinh ở nước ta.

Ba tháng sau cuộc chiến, tháng 6 năm đó, an ninh Việt Nam tìm được một số bằng chứng về sự thông đồng, đi đêm giữa Hoàng Văn Hoan và đồng đảng với bọn bành trướng Bắc Kinh. Trung Quốc và Hoàng Văn Hoan “đánh hơi” được, thế là Hoan dùng kế “ve sầu thoát xác”, giả vờ đi Đông Đức khám bệnh. Với sự trợ giúp của tình báo Trung Quốc, Hoàng Văn Hoan thoát khỏi an ninh Việt Nam ở sân bay Karachi (Pakistan) rồi được bọn bá quyền Bắc Kinh dàn xếp, an bài đưa về Trung Quốc.

Sau khi bỏ trốn, Hoan bị Việt Nam kết tội phản quốc và tuyên án tử hình vắng mặt và trở thành biểu tượng của sự bán nước. Báo chí Việt Nam thời đó gọi Hoan là “Lê Chiêu Thống tân thời”. Bên Trung Quốc, Hoan vu cáo Việt Nam là “đối xử với người Việt gốc Hoa còn tệ hơn cả cách Hitler đối xử với người Do Thái”.

Năm 1988, theo ý của Trung Quốc, Hoan viết tự truyện “Giọt nước trong biển cả: Hồi ức cách mạng của Hoàng Văn Hoan” nhằm tuyên truyền cho các quan điểm chính thức của Trung Quốc, công kích Việt Nam (chiếm hầu hết nội dung), và đồng thời thanh minh tội phản bội Tổ quốc và còn đề cao bản thân. Hoan nói ngược rằng ông ta mới là người “vì dân vì nước”. Hoan viết quyển sách đó bằng tiếng Trung, sau khi được Trung Quốc duyệt, thông qua, và nhà xuất bản Bắc Kinh xuất bản, Hoan dịch lại tiếng Việt và tự xuất bản bản tiếng Việt dưới tên “Giọt nước trong biển cả”.

Năm 1991, Hoan chết, Trung Quốc tổ chức lễ tang cấp nhà nước, thi hài được chôn tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi chôn cất các quan chức cao cấp Trung Quốc. Như vậy, có thể nói Trung Quốc đã coi Hoàng Văn Hoan là một loại “thần tử”, “bề tôi”, “An Nam quốc vương” của họ.

Thất bại trong ý định sử dụng quân bài Hoàng Văn Hoan như một giải pháp chính trị, Trung Quốc cũng thất bại trong ý đồ xâm chiếm Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai để làm làm bàn đạp, làm tiền đề xâm lược lâu dài.

Họ càng thất bại trong ý đồ làm tiêu hao lực lượng chủ lực và làm suy yếu khả năng phòng ngự của Việt Nam, xóa sổ các đồn biên phòng và phần lớn lực lượng vũ trang địa phương của Việt Nam. Họ không tiêu diệt được sư đoàn hay lực lượng lớn nào của Việt Nam.

Họ cũng thất bại thảm hại trong ý đồ gây sức ép, áp lực buộc Việt Nam phải bỏ dở nghĩa vụ quốc tế lật đổ chế độ diệt chủng và tái thiết nước bạn ở Campuchia. Họ không ép được Việt Nam thay đổi bất kỳ chính sách đối ngoại, đối nội nào với Trung Quốc, các nước, và các tầng lớp người Hoa.

Sự phá hoại, cướp bóc, hủy diệt của họ không đẩy được nền kinh tế và chế độ chính trị Việt Nam tới chỗ rạn nứt và sụp đổ. “Bè lũ Lê Duẩn” vẫn còn đó thì họ càng không có cơ hội nào đưa Hoàng Văn Hoan về nước làm “thủ lĩnh anh minh”.


Người lính già đầu bạc,
Kể mãi chuyện biên cương.

Tóm lược diễn biến chiến sự

Ngày 16 tháng 2 năm 1979, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với “đội quân thứ 5” lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu, với mưu đồ ngăn chặn quân tiếp viện của ta từ phía sau lên. Trước giờ khai chiến, các lực lượng đặc biệt nằm vùng của địch cũng bí mật cắt được phần lớn đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo. Cho thấy cuộc xâm lược này đã được kẻ địch tính toán rất chu đáo và tỉ mỉ.

Ngày 17 tháng 2, Trung Quốc mở đầu giai đoạn 1 của cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc nước ta với hơn 12 vạn quân. Mở đầu là lực lượng pháo binh, tiếp theo là xe tăng, xe bọc thép và bộ binh. Quân địch chia làm nhiều hướng tấn công 26 địa điểm của ta, đặc biệt là Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Móng Cái, Mường Khương. Tất cả các hướng tấn công đều có hàng hàng lớp lớp xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Quân đội viễn chinh do Thượng tướng Hứa Thế Hữu tổng chỉ huy và Thượng tướng Dương Đắc Chí phụ tá. Đây là hai tướng tài của quân đội Trung Quốc trong thời điểm đó.


Đặng Tiểu Bình, một lãnh tụ nhiều tham vọng, được nhớ đến với hình ảnh vừa là một nhà cải cách tài ba, vừa là một tên đồ tể khát máu.


Từ trái sang phải: Hứa Thế Hữu, tư lệnh Quân khu Quảng Châu và Dương Đắc Chí, tư lệnh Quân khu Côn Minh (Năm 1985 Quân khu này sát nhập vào Đại Quân khu Tây Nam – Thành Đô)

Hứa Thế Hữu xuất thân chùa Thiếu Lâm (8 năm là đệ tử tục gia Thiếu Lâm Tự), là người văn võ song toàn. Đầu tiên, ông ta tiến thân trên con đường binh nghiệp với quân phiệt Ngô Bội Phu. Khi cuộc Quốc – Cộng nội chiến (tiếng Anh: Chinese Civil War) giữa hai lãnh tụ Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch nổ ra, các quan hệ đối kháng lợi ích và hệ quả chiến cuộc dần đưa tới tình trạng Mao nắm được lực lượng nông dân, công nhân, và đại đa số người dân lao động Trung Quốc, Tưởng nắm được hoặc liên minh với giai cấp tư sản tài phiệt, các băng đảng xã hội đen lớn (đặc biệt ở Thượng Hải), các chủ chứa, chủ sòng bài, phần đông quân phiệt, và các chủ ngân hàng (ở đây còn là sự hợp tác chặt chẽ giữa gia tộc Tưởng và gia tộc Khổng, trùm tài phiệt ngân hàng Khổng Tường Hy anh em cột chèo của Tưởng Giới Thạch).

Khi quân Nhật xâm lược Trung Quốc giữa cuộc nội chiến Quốc – Cộng thì cuộc chiến ở Trung Quốc đã phát triển thành một cuộc chiến tranh tam giác giữa Mao – Tưởng – Nhật. Tưởng Giới Thạch lúc đó trên cương vị là lãnh tụ của Quốc dân đảng, phe mạnh nhất và đang có tư cách lãnh đạo chống Nhật, kêu gọi tất cả các quân phiệt còn lại theo về dưới trướng. Thế là lực lượng Ngô Bội Phu được sát nhập vào quân Tưởng và dĩ nhiên Hứa Thế Hữu cũng theo về với Quốc dân đảng. Tuy nhiên sau đó không lâu, bất mãn với thái độ mãi lo đánh người nhà mà lừng khừng trong việc chống Nhật của Tưởng, ông ta được Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai mời mọc và theo về.

Là một người từng phục vụ trong 3 phe, 3 quân đội Trung Quốc khác nhau nên có thể nói Hứa Thế Hữu là một viên tướng dày dặn kinh nghiệm sa trường. Nhưng kinh nghiệm của ông ta vẫn chưa bằng Dương Đắc Chí, một viên tướng từng chiến đấu sát cánh danh tướng Bành Đức Hoài trong nội chiến Trung Quốc và chiến tranh Triều Tiên.

Về thực tài quân sự, Hứa Thế Hữu không bằng Dương Đắc Chí. Nhưng về quan hệ thân tín với Đặng Tiểu Bình thì Hứa Thế Hữu bỏ xa Dương Đắc Chí. Hứa Thế Hữu chính là một trong những tay chân thân tín nhất của Đặng và đã ngày đêm bảo vệ Đặng trong Cách mạng văn hóa.

Thời đó nội tình chính trị Trung Quốc vẫn còn đang chưa ổn, do tin tưởng Hứa Thế Hữu hơn nên Đặng giao cho ông ta làm tổng chỉ huy thay vì Dương Đắc Chí. Một phần do quyết định sai lầm này mà quân Trung Quốc sau đó đã phải trả giá đắt. Nói chung, việc Trung Quốc chọn hai tướng chỉ huy này cho thấy rõ là chúng quyết thắng và đặt cược rất nặng vào cuộc chiến tranh xâm lược này.

Nhân cơ hội quân chủ lực Việt Nam đang tham chiến ở Campuchia và đóng quân ở miền Nam Việt Nam để yểm trợ cho mặt trận Campuchia, Trung Quốc muốn “tốc chiến tốc quyết” xâm chiếm, bình định các tỉnh và tiến vào Hà Nội trước khi quân chủ lực Việt Nam về Bắc. Địch hung hăng xua quân tấn công nhanh, chúng muốn đánh mau đánh mạnh, tốc chiến tốc thắng, giải quyết chiến trường sớm và tiến về “ăn phở tại Hà Nội”.

Quân địch tiến rất thần tốc theo đúng kế hoạch, đúng lộ trình trong thời gian đầu, nhưng ngay sau đó chúng nhanh chóng bị hụt hẫng và phải chững lại, phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại với yếu tố địa lợi và nhân hòa của ta. Hệ thống phòng thủ của ta ở biên giới rất mạnh, với các hầm hào, hang động tại các điểm cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ. Kết quả là địch phải chịu thương vong lớn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại khu vực Bát Xát, Mường Khương, Đồng Đăng, Nam Quan, Thông Nông, Lào Cai và quanh sông Hồng.

Quân ta dùng chiến thuật phòng ngự mềm dẻo, đánh tiêu hao, từng bước làm hao mòn sinh lực địch, vận dụng chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích, tận dụng địa thế hiểm yếu, ưu thế địa lợi, nhân hòa, phong thổ khắc nghiệt với giặc, và tổ chức phục kích, đánh lén, đánh úp, khai thác yếu tố bất ngờ. Có nơi vừa đánh vừa lui để dụ địch vào hiểm địa. Có nơi giữ được chút nào hay chút nấy, cố gắng làm tiêu hao sinh lực của giặc.

Các lực lượng vũ trang, nửa vũ trang của ta ở biên giới phía Bắc muốn câu giờ để chờ các đơn vị chủ lực từ phía Nam quay về trợ chiến, cùng nhau tổng phản công. Cho nên, càng giằng co dai dẳng với giặc lâu chừng nào tốt chừng đó. Diễn biến chiến cuộc càng chậm chừng nào càng tốt chừng đó. Dĩ nhiên điều này trái ngược với ý đồ chiến lược của địch và làm phá sản kế hoạch của chúng.

Ngày 19 tháng 2, chiến sự lan rộng hơn. Quân ta chống trả rất dũng cảm và với tinh thần quyết chiến cao. Kẻ thù hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật liên miên, tiền hậu bất nhất. Họ tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao, và tiến vào Mường Khương, Trùng Khánh, và Đồng Đăng.

Tại Móng Cái, ta và địch giành giật dai dẳng. Gần 5000 tên xâm lược đã bỏ xác trong những ngày đầu này. Trong những ngày này, quân Tàu đã tấn công vào được 11 làng chiến đấu và thị trấn sau khi bị chống cự quyết liệt. Nhưng địch cũng không thể sử dụng được nhiều tài nguyên trong những vùng tạm chiếm. Chúng không thể “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” vì gặp khó khăn trước kế “vườn không nhà trống” của người Việt.

Ngày 22 tháng 2, trong trận đánh Đồng Đăng, quân địch dùng vũ khí hóa học độc hại của phát xít Nhật mà chúng cướp được trước đây, bắn vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả những thương bệnh binh cũng như dân lành vô tội. Đây là tội ác chiến tranh.

Trước tình hình chiến sự lan rộng tới Hà Tuyên, Quảng Ninh và cả các khu đô thị ven biển ở Móng Cái, ta thành lập phòng tuyến Yên Bái – Quảng Yên, là một tuyến phòng thủ cánh cung bao gồm khoảng 3 vạn quân. Nhiệm vụ của phòng tuyến này là bảo vệ hai thành phố lớn: Hải Phòng và đặc biệt là thủ đô Hà Nội.

Ngày 25 tháng 2, tại Mai Sao, Quân đoàn 14 thuộc Quân khu 1, Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn được thành lập, lực lượng bao gồm các sư đoàn 3, 327, 338, 337 (đang từ quân khu 4 ra) và sau này có thêm sư đoàn 347 cùng các đơn vị trực thuộc khác.

Ngày 27 tháng 2, do nhiều thất bại quân sự, bị hao binh tổn tướng, và chịu tổn thương nặng nề trước Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đã “thay tướng giữa trận”, đành phải đưa Dương Đắc Chí lên thay Hứa Thế Hữu, thân tín của ông ta.

Đây là giai đoạn bộc lộ rõ tham vọng xâm lược của Trung Quốc. Đặng tiếp tục điều quân từ Trung Quốc sang Việt Nam để tăng viện và trợ chiến. Điều này đã cho thấy những lời tuyên bố “cuộc chiến giới hạn”, “có thể sẽ rút quân” chỉ là những thủ đoạn để gây rối thông tin và lừa dối dư luận. Một mặt Trung Quốc tuyên bố đây là cuộc chiến “giới hạn”, mặt khác chúng điều thêm quân. Chúng vừa tuyên bố “có thể sẽ rút quân” vừa tăng cường thêm quân mới. Thay vì rút quân về sau giai đoạn 1, thì Đặng Tiểu Bình tiếp tục giai đoạn 2 và bổ sung, tăng cường thêm đông đảo viện binh từ chính quốc.

Tại Cao Lộc, sư đoàn 129 Trung Quốc đánh mãi không phá nổi trận địa phòng thủ của trung đoàn 141 QĐNDVN. Tại đường 1B, sư đoàn 161 Trung Quốc đang tiến quân thì bị trung đoàn 12 QĐNDVN xáp vào “bám thắt lưng địch mà đánh”. Tại đường 1A, một mình trung đoàn 2 QĐNDVN vừa chặn đánh sư đoàn 160 Trung Quốc từ phía Bắc vừa chống lại cánh quân của sư đoàn 161 Trung Quốc từ hướng Tây Bắc, một mình đánh trả hai cánh quân của giặc chia quân đánh ập vào hai bên hông, bên sườn của mình.

Trong những ngày còn lại của tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc mở rộng tấn công nhưng tiến rất chậm và bị tổn thất nặng nề. Quân Việt Nam mở cuộc phản công tự vệ vào huyện Ninh Minh (tỉnh Quảng Tây), huyện Ma Lật Pha (tỉnh Vân Nam), huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam), huyện Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây), thị xã Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây) của Trung Quốc để phá bớt các kho hậu cần, chứa lương thực, quân nhu, nhiên liệu, vũ khí đạn dược của địch tại đây, phá bớt đi những công cụ mà giặc xâm lược dùng để tấn công Việt Nam.

Tại điểm cao 800, một tiểu đoàn quân đội Trung Quốc bí mật luồn qua phía sau bất ngờ đánh úp và chiếm được nơi đặt đài quan sát pháo binh của sư đoàn 3 Sao Vàng QĐNDVN. Tuy tạm chiếm được điểm cao 800, nhưng trong suốt các ngày từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3, quân xâm lược vẫn không sao vượt qua nổi đoạn đường 4 km để vào được thị xã Lạng Sơn, dù đã dùng cho hướng tiến công này tới 5 sư đoàn đánh ập vào (đúng như lời Đặng Tiểu Bình nói: 5 đánh 1).

Ngày 2 tháng 3, các sư đoàn 3, 337 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tổ chức phòng thủ chắc chắn và giáng trả thật mạnh vào các đợt tấn công lớn của quân xâm lược. Sư đoàn 337 QĐNDVN trụ tại khu vực cầu Khánh Khê.

Ngày 4 tháng 3, Việt Nam tổng động viên toàn quốc. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam viết lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đứng lên chống Trung Quốc xâm lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chấp bút viết bài “Nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi, giặc Trung Quốc xâm lược nhất định thất bại” hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và động viên toàn quân, toàn dân đứng lên chống xâm lược.

Ngày 5 tháng 3, các sư đoàn chính quy của Quân đội Nhân dân Việt Nam với xe tăng, đại pháo, máy bay chiến đấu đã rầm rộ kéo gần đến mặt trận, chuẩn bị “chia lửa” với lực lượng biên giới và phản công tổng lực giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 QĐNDVN với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã tập kết sau lưng Quân đoàn 14 QĐNDVN.

Trung Quốc thấy các lực lượng chủ lực của Việt Nam sắp đến nơi và các lực lượng chính quy khác từ phía Nam cũng đang kéo quân ra trận. Trong khi bản thân quân đội Trung Quốc đang bị thương vong và thiệt hại nặng nề, sĩ khí xuống thấp, quân lực suy yếu.

Chỉ với lực lượng vũ trang, bán vũ trang ở địa phương trong đó phần đông là du kích và tân binh mà chúng còn không vượt qua nổi và bị tổn thất nặng nề phơi xác đầy đồng thì nếu chúng ở lại chờ quân ta đến đánh thì kết quả thế nào e rằng một đứa trẻ cũng đoán ra. Đặng Tiểu Bình là “cáo già” không phải một đứa trẻ, thế là quân Trung Quốc bắt đầu rục rịch lui quân.

Chiến sự tiếp diễn ở một số nơi. Một phần do sự tự vệ trước các hành động phá hoại, cướp bóc của quân địch. Một phần do sự truy kích của quân ta. Phục binh của sư đoàn 338 QĐNDVN và quân tập kích của sư đoàn 337 QĐNDVN tổ chức phục kích đánh quân Trung Quốc đang rút lui qua ngả Chi Mã và đã gây tổn thương nặng nề cho giặc.


Báo chí đưa tin chiến thắng

Ngày 16 tháng 3, biên giới phía Bắc mới lặng yên tiếng súng. Những thương bệnh binh đầu tiên thuộc các cánh quân đầu tiên của Trung Quốc được khiêng trở về nước. Những quân lính không được khiêng thì phải chống nạng. Các sĩ quan bị thương thì ngồi xe lăn. Họ bắt đầu “lết” về nước. Một số tài liệu và học giả phương Tây cho rằng đây là ngày chính thức kết thúc cuộc chiến.

Ngày 18 tháng 3 năm 1979, những tên lính Trung Quốc cuối cùng ôm vết thương thể xác và tinh thần rời khỏi Việt Nam, bỏ lại gần 3 vạn xác đồng đội. Quân đội Việt Nam đã gây tổn thương nặng cho giặc và đánh lui chúng ra khỏi bờ cõi, bảo vệ thành công miền Bắc và biên giới phía Bắc, viết thêm một trang sử oai hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Phần lớn sử liệu chính thống, tài liệu giáo khoa Việt Nam xem đây là ngày chính thức kết thúc cuộc chiến.

Nguồn: Thiếu Long’s blog

Bình luận về bài viết này

Điều hướng